Bí mật đằng sau sự trưởng thành: Tại sao bạn vẫn cảm thấy lạc lõng dù đã "lớn"?
Chỉ có 15% người trưởng thành thực sự hiểu rõ bản thân mình. Điều này có nghĩa là gì?
Trưởng thành liệu có phải chỉ đơn giản là tốt nghiệp ra trường, đi làm, lập gia đình, có con?
Hay trưởng thành là khi chúng ta biết mình đang ở đâu, như thế nào và muốn làm gì?
(Nếu bạn từng thắc mắc những câu hỏi này, bài viết này chính là dành cho bạn. Đây là bài viết nằm trong chuỗi bài viết về mối quan hệ giữa sự tự nhận thức và trì hoãn. Nếu quan tâm đến chủ đề này, bạn có thể theo dõi thêm ở các bài viết trước và các bài viết tiếp theo của mình nhé.)
Chúng ta đã dành cả tuổi trẻ để học cách làm toán, viết văn, và hàng tá những kỹ năng khác để chuẩn bị cho cuộc sống. Nhưng liệu những điều đó có thực sự giúp chúng ta sống một cuộc sống trọn vẹn?
Chúng ta được dạy làm toán nhưng lại không biết cách áp dụng chúng vào giải quyết các vấn đề thực tế.
Chúng ta được dạy viết văn nhưng lại không biết cách giao tiếp sao cho hiệu quả
Chúng ta được dạy xây nhà nhưng không biết làm sao để ngôi nhà ấy trở thành một tổ ấm thực sự
Chúng ta được dạy cách kiếm tiền nhưng lại không biết cách quản lý tiền bạc hiệu quả
Chúng ta được dạy phải yêu, phải kết hôn nhưng lại không biết cách duy trì và phát triển một mối quan hệ lâu dài
Chúng ta được dạy cách đặt mục tiêu nhưng lại không biết cách vượt qua khó khăn để đạt được mục tiêu đó.
Chúng ta được dạy rất nhiều nhưng hiếm khi chúng ta tự hỏi: Những kiến thức này sẽ giúp chúng ta trở thành người như thế nào? Ta sẽ áp dụng chúng ra sao vào cuộc sống của mình? Hay ta muốn cuộc sống của mình sẽ như thế nào? Thay vào đó, chúng ta chỉ đơn thuần học để đạt được những kết quả nhất định: điểm số cao, bằng cấp, một công việc tốt.
Điều này giống như việc bạn biết lái xe nhưng lại không biết cách lựa chọn con đường đi, không biết mình muốn đi đâu. Bạn có thể thành thạo nhiều kỹ năng nhưng lại không biết cách sống một cuộc sống trọn vẹn.
Vậy, mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu?
Có thể thấy, chúng ta đã nhận được rất nhiều sự hướng dẫn, hỗ trợ từ bố mẹ, thầy cô và những người khác. Họ tập trung chủ yếu vào việc trang bị cho chúng ta những kiến thức, đến những kỹ năng để sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ… để chuẩn bị cho chúng ta có một công việc ổn định trong tương lai.
Tuy nhiên, chúng ta được dạy rất ít về cách hình thành các mối quan hệ lành mạnh, cách phát triển sự hiểu biết sâu sắc về bản thân và cách quản lý các sự kiện xảy đến trong cuộc sống.
Học cách đọc, viết, tính toán… rất quan trọng, nhưng cuộc sống không chỉ có những con số và chữ cái, không chỉ là một chuỗi những thành tích. Nó còn là một hành trình khám phá bản thân, tìm kiếm ý nghĩa và kết nối với thế giới này.
Chúng ta cần học cách giao tiếp hiệu quả với người khác, hiểu rõ cảm xúc của bản thân và những người xung quanh, và tìm ra mục đích sống của mình.
Và để làm được điều này, để có thể “lái" cuộc đời mình một cách hiệu quả, mấu chốt chính là chúng ta phải có khả năng tự nhận thức tốt.
Nghiên cứu của nhà tâm lý học Tasha Eurich đã chỉ ra rằng, chỉ có 15% người trưởng thành đạt được khả năng tự nhận thức cao.
Khi sở hữu năng lực này, họ có thể vượt qua trì hoãn, xây dựng thói quen tốt và kỷ luật tự thân, đưa ra những quyết định đúng đắn, phát triển những mối quan hệ ý nghĩa và sống một cuộc sống thật sự hạnh phúc.
Con số 15% nói trên thật là khiêm tốn phải không? Liệu mình và bạn có nằm trong số 15% nhỏ bé này không nhỉ?
Dù kết quả như thế nào thì mình có một tin vui muốn dành cho bạn.
Các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng, sự tự nhận thức về bản thân, về người khác, cũng như cách chúng ta hiểu và nắm rõ các quy tắc để tương tác, đã bắt đầu có từ khi chúng ta sinh ra. Và tin vui là, tự nhận thức là một kỹ năng có thể rèn luyện và phát triển. Chúng không cố định mà thay đổi theo thời gian.
Giống như một đứa trẻ học cách đi, cách nói và khám phá thế giới xung quanh, người lớn cũng trải qua những giai đoạn trưởng thành khác nhau. Chúng ta không chỉ đơn thuần lớn lên về mặt thể chất mà còn trải qua những thay đổi sâu sắc về nhận thức, tư duy và cách chúng ta phản hồi với các sự kiện trong cuộc sống.
Vậy, thế nào là trưởng thành? Và nó liên quan như thế nào đến tự nhận thức? Hãy cùng Mai khám phá câu trả lời trong bản tin hôm nay.
1. Trưởng thành có nghĩa là gì?
Trước khi đọc tiếp, bạn hãy thử cùng mình dành 1 phút để suy nghĩ về câu hỏi trên đã nhé!
Ảnh Internet
Bạn đã có câu trả lời của mình chưa? Có phải bạn thường nghĩ trưởng thành đơn giản là lớn tuổi hơn, tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm, có công việc ổn định, lập gia đình, đạt được những thành tựu nhất định?
Mình cũng từng nghĩ như vậy cho đến khi mình rơi vào khủng hoảng vào năm 2014.
Thời điểm đó, mình có đầy đủ những thứ được xem là tiêu chuẩn của trưởng thành nói trên: mua được một căn nhà nhỏ, có một công việc tốt - giảng viên đại học với một số thành tựu và chuyên môn được đánh giá cao, đang ở trong một mối quan hệ tốt đẹp, một gia đình lớn yêu thương…
Nhưng sự thực đau đớn là, ngay tại thời điểm đó, mình không thấy hạnh phúc như mình từng tưởng tượng. Mình hoài nghi về chính bản thân mình và ý nghĩa cuộc sống. Mình hoang mang, trống rỗng, bế tắc. Và chính thời điểm đó đã mở ra một bước tiến mới trong hành trình phát triển bản thân của mình.
Hơn 10 năm qua, mình liên tục tò mò và tìm kiếm câu trả lời về chính bản thân mình, về hạnh phúc, về ý nghĩa cuộc sống. Nó khiến mình nhận ra rằng sự trưởng thành không đơn giản như mình nghĩ trước đây. Hình ảnh về người trưởng thành mà truyền thông và xã hội vẽ nên chỉ là một phần của bức tranh. Họ thường tập trung vào những thành công bên ngoài như sự nghiệp, tài chính, mối quan hệ, mà ít khi đề cập đến sự phát triển bên trong.
Trong quá trình này, mình cũng tình cờ khám phá ra một lý thuyết vô cùng thú vị, đó là các giai đoạn phát triển của người lớn của Robert Kegan.
Tiến sĩ tâm lý học Robert Kegan. Ảnh: Internet
Kegan cho rằng, trưởng thành là một hành trình dài, phức tạp, liên tục thay đổi, đầy thử thách và không phải ai cũng có thể dễ dàng vượt qua.
Đó là một hành trình không đơn giản chỉ là tích luỹ về mặt kiến thức, kỹ năng hay làm tốt hơn những gì mình đang làm. Nếu như vậy, những thứ đó vẫn chỉ đơn thuần là thông tin. Và thông tin, mặc dù hữu ích, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta thích nghi với xã hội hiện đại, nhưng là không đủ để thúc đẩy sự phát triển cá nhân. Tất cả người lớn, với tư cách là những người đang phát triển và liên tục thay đổi, họ cần nhiều hơn là thông tin. Trong đó có một điều quan trọng là SỰ CHUYỂN HOÁ.
Kegan khẳng định, trưởng thành chính là quá trình chuyển hoá sâu sắc về nhận thức, tư duy và từ đó làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận và tương tác với thế giới.
Và sự phát triển về nhận thức, tư duy không giống như sự phát triển thể chất. Nó không phải chỉ đơn giản là chờ đợi thời gian và tự nhiên sắp đặt. Sự phát triển về nhận thức có thể được hỗ trợ hoặc bị cản trở bởi những trải nghiệm trong cuộc sống của mỗi người.
Lý thuyết của Kegan cho rằng, con người chúng ta trải qua 5 giai đoạn trưởng thành khác nhau và mỗi giai đoạn đều gắn liền với những đặc điểm nhận thức, tư duy và hành vi riêng biệt.
Trưởng thành đồng nghĩa với việc chúng ta phát triển các đặc điểm như tự nhận thức về chính bản thân tốt hơn, có ý thức độc lập và chịu trách nhiệm hơn, có khả năng điều chỉnh cảm xúc và kiểm soát hành vi của mình tốt hơn, hiểu sâu hơn về cách giao tiếp thành công với người khác và cách quản lý các sự kiện trong cuộc sống của chúng ta.
Kegan cũng chỉ ra rằng, cuộc sống hiện đại với những yêu cầu và sự thay đổi liên tục đôi khi khiến chúng ta cảm thấy lạc lõng và không biết phải làm sao.
Điều ấy giống như bạn đang chơi một trò chơi điện tử. Mỗi cấp độ sẽ có những thử thách khác nhau, và nếu bạn không vượt qua được thử thách ở cấp độ hiện tại, bạn sẽ không thể tiến lên cấp độ tiếp theo. Trong cuộc sống, chúng ta cũng phải đối mặt với những thử thách ở mỗi giai đoạn trưởng thành. Và nếu chúng ta không vượt qua được những thử thách đó, chúng ta sẽ khó có thể phát triển bản thân lên mức cao hơn.
Nhưng điều quan trọng ở đây là, chúng ta không nên tự trách mình khi cảm thấy khó khăn. Bởi mỗi người có một tốc độ phát triển khác nhau. Việc so sánh mình với người khác chỉ khiến chúng ta cảm thấy áp lực và mất tự tin.
Và theo Kegan, thế giới cũng không phải là một cái gì đó cố định, có sẵn mà chúng ta chỉ cần khám phá. Mỗi người chúng ta đều đang tạo ra một thế giới riêng cho mình thông qua cách chúng ta nhìn nhận và tương tác. Chúng ta thường gán ý nghĩa cho sự kiện, tình huống hay bất kì điều gì đến từ môi trường xung quanh, và ý nghĩa đó định hình cách chúng ta tương tác lại với thế giới. Điều này giải thích tại sao cùng một sự việc, mỗi người lại có những cách hiểu và phản ứng khác nhau.
Giống như khi chúng ta cùng ngắm một bức tranh. Mặc dù bức tranh đó là một, nhưng mỗi người lại vẽ nên trong tâm trí mình một câu chuyện riêng.
Đó chính là lý do tại sao sự trưởng thành không chỉ đơn thuần là tích lũy kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mà là quá trình thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thế giới, là sự chuyển hoá về nhận thức. Càng trưởng thành, chúng ta càng có nhiều góc nhìn đa dạng và sâu sắc hơn về mọi thứ xung quanh. Chúng ta có quyền tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống của mình.
Và trưởng thành không phải là một đích đến mà là một hành trình không ngừng khám phá và học hỏi.
2. Chuyển hóa - Mấu chốt của sự trưởng thành
Để minh họa thêm cho khái niệm "chuyển hóa" trong quá trình trưởng thành, hãy cùng Mai nhìn lại câu chuyện nổi tiếng về nhà khoa học Galileo Galilei.
Galileo, người đầu tiên phát hiện ra rằng Trái Đất không phải là trung tâm của vũ trụ, đã phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ Giáo hội Công giáo La Mã, vốn rất tin vào điều đó. Dù không có bất kỳ thay đổi nào về mặt vật lý, nhưng quan niệm của con người về vũ trụ đã bị đảo lộn hoàn toàn từ sau phát hiện này. Đây chính là một ví dụ điển hình về sự chuyển hóa - một sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức và tư duy, mở ra một cách nhìn mới về thế giới.
Tuy nhiên, nếu ví dụ về Galileo vẫn còn hơi trừu tượng, hãy thử tưởng tượng đến hình ảnh quen thuộc hơn: con sâu và con bướm.
Con sâu: Tượng trưng cho tâm trí của chúng ta ở giai đoạn đầu đời, khi kiến thức còn hạn hẹp và cách nhìn nhận về thế giới xung quanh còn đơn giản. Con sâu bò trên mặt đất, ăn lá cây và sống một cuộc sống giới hạn.
Con bướm: Đại diện cho tâm trí đã trưởng thành, có khả năng nhìn nhận thế giới một cách sâu sắc và đa chiều hơn. Con bướm bay lượn tự do trên bầu trời, khám phá những vùng đất mới và trải nghiệm những điều kỳ diệu.
Để từ một con sâu bé nhỏ trở thành một con bướm xinh đẹp, phải trải qua quá trình biến đổi đầy gian nan trong kén. Cấu trúc cơ thể của nó bị phá vỡ và tái tạo hoàn toàn, từ cách sống đến cách tương tác với môi trường. Nhưng khi nó trải qua quá trình lột xác, nó trở thành một con bướm xinh đẹp, có thể tự do khám phá và trải nghiệm cuộc sống phong phú hơn.
Tương tự như vậy, tâm trí của chúng ta cũng cần “chuyển hóa" để có thể phát triển và trưởng thành.
Trên hành trình trưởng thành, chúng ta sẽ gặp những sự kiện hay trải nghiệm có khả năng thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nhìn nhận thế giới và bản thân. Đó có thể là một cuốn sách hay, một cuộc trò chuyện ý nghĩa, một thất bại đau đớn, hay thậm chí là một khoảnh khắc bình yên giữa thiên nhiên.
Ở đây, có 2 điểm mà chúng ta cần phân biệt là khoảnh khắc chuyển hoá và tác động của những khoảnh khắc chuyển hoá:
Những khoảnh khắc chuyển hóa: Đó là những khoảnh khắc mà chúng ta trải nghiệm những điều mới mẻ, những cảm xúc sâu sắc hoặc những sự kiện quan trọng. Những khoảnh khắc này có thể là một cú sốc, một sự thất vọng, một niềm vui bất ngờ, một cuộc trò chuyện sâu sắc hay đơn giản chỉ là một suy nghĩ chợt lóe lên. Những khoảnh khắc này không trực tiếp thay đổi chúng ta, nhưng chúng đóng vai trò như chất xúc tác, thúc đẩy quá trình chuyển hóa nội tâm. Chúng tạo ra những vết nứt nhỏ trong hệ thống niềm tin và quan điểm của chúng ta, khiến chúng ta bắt đầu đặt câu hỏi và tìm kiếm những câu trả lời mới. Từ đó, dần dần thay đổi đáng kể cách chúng ta hiểu và cảm nhận thế giới.
Từ một giảng viên đại học, một chuyên gia L&D trong các tổ chức tài chính ngân hàng, công nghệ trở thành Coach, Solo toàn thời gian ở thời điểm hiện tại, Mai cũng đã trải qua rất nhiều khoảnh khắc như vậy. Dưới đây là một số khoảnh khắc chuyển hóa đầy ý nghĩa:
Học và thực hành giao tiếp phi bạo lực
Thực hành thiền Vipassana
Học coaching
Quyết định làm solopreneur
Tác động của những khoảnh khắc chuyển hoá: Những khoảnh khắc chuyển hóa này không chỉ đơn thuần là những trải nghiệm thoáng qua. Sau khi trải qua một khoảnh khắc chuyển hóa, chúng ta thường cảm thấy mình như một con người mới. Chúng có thể tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh. Đó có thể là:
Thách thức những niềm tin cũ: Khi chúng ta có những trải nghiệm mới, chúng ta có thể nhận ra rằng những điều mình từng tin tưởng không hoàn toàn đúng. Điều này buộc chúng ta phải xem xét lại các giá trị và niềm tin trước đây của mình. Nó có thể khiến chúng ta bối rối, hoang mang lúc ban đầu nhưng nếu đủ bình tĩnh và kiên nhẫn, chúng ta sẽ sớm thích nghi và dần điều chỉnh lại những niềm tin không còn phù hợp.
Mở ra những khả năng mới: Những khoảnh khắc chuyển hóa cũng có thể giúp chúng ta khám phá ra những khía cạnh mới của bản thân và những khả năng mà trước đây mình chưa từng nghĩ tới.
Tạo động lực để thay đổi: Chúng có thể là động lực thúc đẩy chúng ta vượt qua những giới hạn của bản thân và đạt được những mục tiêu mới.
Thúc đẩy sự tăng trưởng cá nhân: Qua quá trình chuyển hóa, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, khôn ngoan hơn và có khả năng thích ứng với những thay đổi trong cuộc sống tốt hơn, tìm thấy ý nghĩa và mục đích mới trong cuộc sống.
Một số ví dụ để bạn có thể hiểu rõ hơn nhé!
Một người mất đi người thân: Sự mất mát này có thể khiến họ nhận ra giá trị của cuộc sống và mối quan hệ với người thân. Họ có thể thay đổi cách sống và dành nhiều thời gian hơn cho những người mình yêu thương. Lúc này mất đi người thân là một khoảnh khắc chuyển hoá làm chất xúc tác cho sự thay đổi của họ.
Một người thất nghiệp: Việc mất việc có thể là một cú sốc lớn, nhưng sau đó, người đó có cơ hội nhìn lại, khám phá những đam mê mới và tìm kiếm một con đường sự nghiệp khác.
Một người trẻ tuổi trải qua một thất tình: Trước đây, anh ấy có thể tin rằng tình yêu là mãi mãi. Nhưng sau khi trải qua thất tình, anh ấy nhận ra rằng tình yêu cũng có thể kết thúc và bắt đầu học cách yêu thương chính bản thân mình nhiều hơn.
Một nhà khoa học đọc một cuốn sách về vũ trụ: Trước đó, người này có thể nghĩ rằng Trái đất là trung tâm của vũ trụ. Nhưng sau khi đọc cuốn sách, ông ta bắt đầu đặt câu hỏi và tìm hiểu sâu hơn về vũ trụ. Cuối cùng, ông ta có thể đưa ra những phát hiện mới và thay đổi hoàn toàn quan điểm của mình. Nhà khoa học này chính là Galilei mà mình mới nhắc lúc trước đó.
Hoặc quay lại câu chuyện của Mai, không có khoảnh khắc nào trong số những khoảnh khắc mà Mai đã kể ra có thể thay đổi Mai hoàn toàn, nhưng chúng lại là chất xúc tác giúp Mai thay đổi cách nhìn nhận, liên hệ bản thân và thế giới xung quanh. Cụ thể là:
Cùng một xung đột, nếu như trước đây rất dễ tranh cãi thì giờ đây, Mai có thể bày tỏ ý kiến một cách rõ ràng, lắng nghe người khác một cách chân thành và giải quyết xung đột một cách hòa bình.
Cùng một tình huống, nếu như trước đây có thể khiến Mai mệt mỏi và căng thẳng, khó tập trung, thì giờ đây, Mai có thể bình tĩnh giải quyết nó, để rồi tập trung làm việc hiệu quả hơn, cuộc sống bình yên hơn thay vì biển rộng đầy bão tố.
Cùng là Mai, trước đây có thể sẽ đánh giá người khác không cùng quan điểm một cách tiêu cực thì giờ đây, Mai học được cách chấp nhận sự khác biệt của người khác và mở lòng hơn với những quan điểm mới
Cũng là Mai, nếu như trước đây, từng nghi ngờ, nhút nhát, sợ thất bại, luôn tìm kiếm sự an toàn trong một công việc ổn định thì giờ đây, tự tin hơn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn, dám đối diện với những thử thách trong cuộc sống với tâm thế đón nhận. Đó cũng chính là lý do giúp Mai đạt được những thành công nho nhỏ trên chặng đường 1 năm làm solo của mình.
Những khoảnh khắc chuyển hoá không trực tiếp thay đổi chúng ta, nhưng chúng đóng vai trò như chất xúc tác, thúc đẩy quá trình chuyển hóa nội tâm.
Sau mỗi khoảnh khắc như vậy, chúng ta sẽ nhìn nhận và tương tác với thế giới theo một cách khác, sâu sắc và toàn diện hơn.
Nâng cấp "phần cứng" của tâm trí
Để hình dung thêm, bạn cũng có thể liên hệ sự trưởng thành với việc nâng cấp phần cứng của một chiếc máy tính.
Việc học hỏi kiến thức và kỹ năng mới giống như việc cài đặt thêm phần mềm vào máy tính.
Tuy nhiên, để máy tính có thể xử lý những tác vụ phức tạp hơn, chúng ta cần phải nâng cấp phần cứng, tức là mở rộng khả năng xử lý và lưu trữ của nó.
Tương tự như vậy, sự trưởng thành không chỉ đơn giản là thêm thông tin vào "chiếc hộp" tâm trí đã có sẵn, mà còn là mở rộng và thay đổi chính "chiếc hộp" đó để nó có thể chứa đựng và xử lý nhiều hơn, phức tạp hơn.
Và Kegan cũng cho rằng khả năng nhìn lại những gì chúng ta biết và đưa ra quyết định về chúng chính là yếu tố then chốt để mở rộng "chiếc hộp" tâm trí và đạt được sự trưởng thành. Khi chúng ta có thể lùi lại, quan sát và đánh giá những suy nghĩ, niềm tin và hành vi của mình một cách khách quan, chúng ta sẽ có khả năng thay đổi và phát triển.
Vậy làm thế nào để mở rộng tâm trí, liệu có các cột mốc nào cho sự phát triển này không? Hãy cùng Mai tìm hiểu chi tiết trong bản tin tiếp theo nhé!
---------
Bạn đang đọc bài viết miễn phí của bản tin TỰ KỶ LUẬT. Nếu bạn muốn khám phá sâu hơn về chủ đề này, hãy nhanh tay đăng ký bản tin trả phí ngay hôm nay.
Bản tin được xây dựng và phát triển bởi Thanh Mai, chuyên gia khai vấn về kỷ luật, thói quen và vượt qua trì hoãn.
Các chương trình và sự kiện của Mai bạn có thể bạn quan tâm: