Người giữ làng hạnh phúc...
Cuối tuần vừa rồi, cả nhà mình lại có dịp ghé thăm bản làng Thái Hải (Thái Nguyên).
Đây là lần thứ hai, sau hơn một năm kể từ chuyến đi đầu tiên. Lần ấy, nhà mình chỉ đi trong ngày. Còn lần này, cả nhà quyết định sẽ ở lại 1 đêm, ngủ trên nhà sàn để cảm nhận rõ hơn không khí và nhịp sống nơi đây.
Ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến Thái Hải, mình đã thấy nơi này rất đặc biệt…
Không phải vì cảnh đẹp choáng ngợp hay những thiết kế lộng lẫy, cũng chẳng phải khung cảnh thiên nhiên đặc biệt. Ở đây, mọi thứ vẫn mộc mạc như bao làng quê miền núi trung du với đồi, với cây xanh, những rặng cọ già… Nhưng điều khiến mình ấn tượng sâu sắc lại nằm ở cách những con người nơi đây sống cùng nhau.
Ở bản làng này, có đến 4 dân tộc cùng sinh sống: Tày, Nùng, Sán Chay và Kinh. Họ không chỉ ở gần nhau, mà còn ăn chung, làm chung, tiêu chung, cùng vận hành một cộng đồng như một gia đình lớn.
Ở làng, mỗi nhà một việc, nhà làm thuốc Nam lo cho sức khoẻ cả làng, nhà nuôi ong, nhà xoa bóp trị liệu, nhà làm bánh… Có người đứng bếp, có người làm công việc tiếp khách. Ai cũng tự giác làm phần việc của mình mà không so bì, tị nạnh than phiền, cũng chẳng bon chen hay chèo kéo bán hàng làm của riêng, mà tất cả đều vì cộng đồng chung.
Chính điều ấy khiến mình cảm nhận rất rõ, đây không phải là một “bản làng du lịch” đơn thuần, càng không phải là một “bảo tàng sống” để trưng bày.
Ở đây, văn hoá không chỉ nằm trong nếp nhà, trang phục hay nghi lễ, mà nằm trong từng nhịp sống, trong sự cộng sinh hàng ngày giữa những con người nơi đây. Họ đang thực sự sống với văn hoá đó, chăm sóc và vận hành nó như một điều hiển nhiên trong đời sống từ bữa ăn, giấc ngủ, cách chào nhau, cho đến cả cách cộng đồng tự vận hành chứ không phải xem nó như một món đồ cổ chỉ để trưng bày cho du khách xem.
Mình vừa khâm phục vừa xúc động khi nghe câu chuyện về bà trưởng bản…
Một người phụ nữ nhỏ bé, nhưng lại chọn gánh trên vai sứ mệnh gìn giữ văn hoá Tày. Bà đã từng thế chấp nhà cửa, vay ngân hàng để mua lại 31 căn nhà sàn ở ATK Định Hoá rồi mang đến nơi ây dựng lại, chỉ để giữ lấy hồn cốt văn hoá.
Ngày đầu lập làng, chẳng có ai muốn cùng bà bước vào con đường lạ lùng, gian nan ấy. Người ta coi bà là “khác người”, “ngược đời” khi chọn sống cộng đồng kiểu chung trong một xã hội ngày càng cá nhân hoá. Những người đầu tiên tìm đến sống cùng bà lại là những người tưởng như bị gạt ra bên lề xã hội: người già neo đơn, người từng vướng vào vòng lao lý, người nhiễm HI.V/A.IDS… những phận đời cô đơn, mang nhiều định kiến.
Ấy vậy mà, giờ đây, khi đến làng, chẳng ai còn nhận ra họ là ai nữa. Người từng lầm lỡ, người từng bệnh tật, giờ đã là người nấu bếp, chăm vườn, tiếp khách… Họ sống chan hoà, ai cũng góp phần gìn giữ nếp làng, nếp sống Tày như chưa từng có quá khứ đau buồn.

Lựa chọn một con đường chẳng giống ai, với hơn 20 năm bền bỉ giữ gìn văn hoá, truyền thống, từ vài chục người những ngày đầu, giờ làng đã có hơn 150 thành viên.
Có lúc, mình tự hỏi: người phụ nữ nhỏ bé ấy đã lấy đâu ra sức mạnh để đi một con đường đầy khó khăn và chông gai như thế?
Khi trò chuyện và hỏi bà thì bà chỉ cười và nói một câu nhẹ tênh: “Đây là sứ mệnh của tôi rồi, nếu tôi không làm thì ốm”.
Và sứ mệnh ấy với bà là xây dựng một cộng đồng sống hạnh phúc.
Có lẽ, chính khát khao được sống trọn vẹn và hạnh phúc để không phải dằn vặt, day dứt với ước mong giữ lại văn hoá Tày cho con cháu sau này là nguồn sức mạnh để bà đi con đường ấy.
Giữa cuộc sống hiện đại với quá nhiều lựa chọn và lối rẽ, mình tự hỏi:
Liệu có bao nhiêu người đủ kiên trì để đi trọn một con đường mà mình tin, cho dù con đường ấy có khác lạ đến đâu?
Có lẽ, dù xã hội hiện đại đến đâu, chúng ta vẫn cần những người “giữ làng” như vậy. Những người âm thầm giữ bản sắc văn hoá, sự gắn kết và yêu thương.
Để những điều tốt đẹp vẫn được sống và tiếp tục xanh tươi...
Đồng hành cùng bạn xây dựng nội lực và sống trọn vẹn hơn mỗi ngày.