Từ "Tôi là..." đến "Tôi có...": Chìa khóa để vượt qua trì hoãn và trưởng thành
Cách chuyển đổi tư duy cần thiết để vượt qua trì hoãn và phát triển bản thân!
Ở bài viết trước, chúng ta đã khám phá 5 giai đoạn trưởng thành của người lớn theo Robert Kegan và thấy được sự trì hoãn ẩn dấu trong từng giai đoạn. Hành trình trưởng thành không phải là sự tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, địa vị, của cải mà là sự chuyển hóa sâu sắc về nhận thức, về cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới.
Một trong những yếu tố then chốt để đạt được sự chuyển hóa này chính là khả năng dịch chuyển những gì chúng ta coi là mình (Chủ thể - "Tôi là") thành những thứ chúng ta có thể quan sát và kiểm soát, điều chỉnh (Đối tượng - "Tôi có").
Hãy cùng Mai đi sâu vào khái niệm Chủ thể và Đối tượng, và xem chúng ảnh hưởng như thế nào đến sự tự nhận thức và trì hoãn của chúng ta nhé.
Chủ thể và đối tượng: hai mảnh ghép của tự nhận thức
Như mình đã chia sẻ trong bài “Làm sao để thay đổi bản thân? Từ TỰ NHẬN THỨC đến LÀM CHỦ CUỘC SỐNG”, tự nhận thức không chỉ đơn giản là việc hiểu rõ bản thân, mà còn là khả năng nhìn nhận những đặc điểm, niềm tin và hành vi của mình một cách khách quan, từ đó có thể thay đổi và phát triển.
Trong hành trình này, hai khái niệm quan trọng mà chúng ta cần hiểu rõ là "Chủ thể" và "Đối tượng".
- Chủ thể (Tôi là): Đây là những gì chúng ta mặc định là bản chất của mình và mặc định rằng đó là sự thật hiển nhiên, không cần phải nghi ngờ. Những thứ thuộc về “Tôi là" không thể hoặc ít khi nhìn thấy được vì chúng là một phần của bạn. Và bởi vì thế, chúng được coi là hiển nhiên, được coi là đúng - hoặc thậm chí không được coi là gì cả. Những niềm tin này thường ăn sâu vào tiềm thức, định hình cách chúng ta nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh.
Ví dụ: “Tôi là một người Mẹ” “Tôi là một người coach"
- Đối tượng (Tôi có): Ngược lại, "Đối tượng" là những gì chúng ta có thể quan sát, đánh giá và thay đổi. Đó có thể là những thói quen, kỹ năng, hoặc sâu hơn là những cảm xúc và suy nghĩ, niềm tin. Khi nhìn nhận những điều này như "Đối tượng", chúng ta có thể chủ động thay đổi và phát triển chúng.
Ví dụ:
Vai trò làm Mẹ là một trong những vai trò mà tôi có và tôi đã chọn làm.
Coaching là một công việc mà tôi đã chọn làm trong rất nhiều công việc khác và đó chỉ là một trong số những vai trò mà tôi có.
Và ở bài viết trước, chúng ta cũng đã biết, ứng với mỗi giai đoạn trưởng thành của người lớn lại có những đặc điểm nhận thức riêng biệt và mang đến những "cạm bẫy" trì hoãn khác nhau. Ngay bây giờ hãy cùng Mai tìm hiểu kỹ hơn về chủ thể, đối tượng và trì hoãn trong các giai đoạn này được thể hiện như thế nào nhé!
1. Giai đoạn 1: Tâm trí bốc đồng
Chủ thể: Cảm xúc tức thời, nhu cầu sinh lý.
Đối tượng: Mọi thứ xung quanh đều phục vụ cho việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Trì hoãn: Thay vì tập trung vào trẻ nhỏ, chúng ta có thể hiểu giai đoạn này ở người trưởng thành là khi chúng ta ưu tiên thoả mãn tức thời, thiếu khả năng quan tâm đến người khác và không nhìn thấy các hệ quả lâu dài của hành động hiện tại. Chúng ta có thể gặp khó khăn trong việc đặt ra mục tiêu dài hạn và trì hoãn công việc vì không thấy được lợi ích ngay lập tức.
Ví dụ: Ở giai đoạn này, niềm vui tức thời quan trọng hơn rất nhiều so với việc hoàn thành công việc. Bạn có thể trì hoãn việc hoàn thành báo cáo để xem phim hoặc đi chơi với bạn bè.
2. Giai đoạn 2: Tâm trí chủ quyền
Chủ thể: Nhu cầu cá nhân, mong muốn được công nhận.
Đối tượng: Người khác được xem như công cụ để đạt được mục tiêu cá nhân.
Trì hoãn: Chúng ta có thể trì hoãn vì sợ thất bại, sợ mất quyền kiểm soát hoặc vì muốn duy trì hình ảnh bản thân hoàn hảo. Chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho người khác và khó chấp nhận sự khác biệt.
Ví dụ: Chúng ta không dám viết bài trên trang cá nhân vì sợ không hay, sợ làm xấu đi hình ảnh của bản thân.
3. Giai đoạn 3: Tâm trí xã hội hóa
Chủ thể: Các mối quan hệ xã hội, sự chấp thuận của nhóm.
Đối tượng: Các quy tắc, chuẩn mực xã hội.
Trì hoãn: Chúng ta có thể trì hoãn vì sợ không đáp ứng được kỳ vọng của người khác, hoặc vì muốn hoàn hảo hóa mọi thứ, muốn giữ hình ảnh tốt trong mắt xã hội. Chúng ta có xu hướng so sánh bản thân với người khác và thiếu tự tin, cảm thấy không đủ tốt. Và điều này càng khiến chúng ta trì hoãn nhiều hơn.
Ví dụ: Chúng ta trì hoãn việc hoàn thành bài thuyết trình vì sợ không đạt được tiêu chuẩn của sếp và đồng nghiệp sẽ đánh giá mình.
4. Giai đoạn 4: Tâm trí tự chủ
Chủ thể: Các giá trị cá nhân, mục tiêu dài hạn.
Đối tượng: Các mối quan hệ được xây dựng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Trì hoãn: Do quá nhiều lựa chọn, sợ thất bại hoặc không tìm thấy động lực. Tuy nhiên, người ở giai đoạn này thường có khả năng tự giác và tự điều chỉnh hành vi tốt hơn. Sự trì hoãn lúc này có thể là một cơ chế phòng vệ để tránh đối mặt với những cảm xúc khó chịu hoặc để bảo vệ bản thân khỏi những rủi ro tiềm ẩn.
Ví dụ: Chúng ta trì hoãn việc bắt đầu một dự án mới vì sợ thất bại, mặc dù họ biết dự án đó có thể mang lại nhiều lợi ích cho sự nghiệp của họ.
5. Giai đoạn 5: Tâm trí tự chuyển hóa
Chủ thể: Không cố định, luôn thay đổi.
Đối tượng: Sự tự chủ, bản sắc và hệ tư tưởng.
Trì hoãn: Có thể là một phần của quá trình sáng tạo. Cá nhân có thể chủ động trì hoãn để có thêm thời gian suy nghĩ, tìm kiếm thông tin và đưa ra quyết định tốt hơn.
Ví dụ: Một nhà khoa học trì hoãn việc công bố kết quả nghiên cứu để tiếp tục tìm kiếm những góc nhìn mới, những bằng chứng bổ sung hoặc những cách giải thích khác cho hiện tượng mà họ đang nghiên cứu. Sự trì hoãn này không phải là do thiếu động lực hay sợ hãi thất bại, mà là một phần của quá trình sáng tạo và khám phá tri thức.
Tự nhận thức - Chìa khóa mở ra cánh cửa chuyển hóa
Sự chuyển hóa từ Tôi là… sang Tôi có…
Quá trình trưởng thành đòi hỏi chúng ta phải chuyển đổi những gì thuộc về "Chủ thể" sang "Đối tượng". Điều này có nghĩa là chúng ta cần nhìn nhận những đặc điểm, niềm tin của bản thân một cách khách quan hơn, không còn xem chúng là những điều cố định và không thể thay đổi. Khi đó, chúng ta mới có thể phát triển bản thân một cách toàn diện.
Một cách dễ hiểu thì bạn có thể tưởng tượng tâm trí của mình như một chiếc hộp chứa đầy những viên bi.
"Chủ thể" giống như những viên bi đỏ, đại diện cho những niềm tin cố hữu, những đặc điểm tính cách mà bạn cho là không thể thay đổi.
"Đối tượng" giống như những viên bi xanh, đại diện cho những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi mà bạn có thể quan sát, đánh giá và điều chỉnh.
Ví dụ:
Thay vì nói "Tôi là người trì hoãn" hãy nói là => "Tôi có thói quen trì hoãn": Khi bạn nhìn nhận trì hoãn như một thói quen có thể thay đổi, bạn sẽ có động lực để tìm hiểu nguyên nhân và áp dụng các chiến lược để khắc phục nó.
Thay vì nói "Tôi là người hướng nội" hãy nói là => "Tôi có xu hướng ngại giao tiếp trong những môi trường đông người": Khi bạn nhận ra rằng sự hướng nội chỉ là một xu hướng, không phải là bản chất cố định, bạn sẽ có thể tìm cách để mở rộng vùng an toàn của mình và cải thiện kỹ năng giao tiếp.
Thay vì nói "Tôi là một người mẹ" hãy nói là => "Tôi có vai trò làm mẹ": Khi bạn nhìn nhận vai trò làm mẹ như một "đối tượng", bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn về những trách nhiệm và thách thức đi kèm, từ đó có thể đưa ra những quyết định nuôi dạy con cái một cách sáng suốt hơn.
Sự chuyển hóa từ "Chủ thể" sang "Đối tượng" không chỉ là một khái niệm trừu tượng, mà còn là một quá trình quan trọng giúp chúng ta phát triển và trưởng thành.
Và sự trưởng thành ở đây chính là quá trình bạn dần dần biến những viên bi đỏ thành xanh, đồng thời mở rộng và thay đổi "chiếc hộp" tâm trí để nó có thể chứa đựng nhiều bi hơn và mở rộng hơn, linh hoạt hơn và có khả năng xử lý những thông tin phức tạp hơn.
Vậy làm thế nào để thay đổi chiếc hộp này?
Chìa khoá nằm ở khả năng TỰ NHẬN THỨC.
Tự nhận thức chính là khả năng biến những "Chủ thể" thành "Đối tượng", giúp chúng ta nhìn lại bản thân một cách khách quan, nhìn thấu những niềm tin giới hạn và những khuôn mẫu hành vi đã ăn sâu vào tiềm thức. Từ đó, chủ động thay đổi, điều chỉnh, tìm ra giải pháp và phát triển bản thân theo hướng tích cực hơn.
Điều này giống như nhìn vào chiếc hộp của mình từ bên ngoài và xem xét cả những gì thuộc về bên trong. Khi quan sát và đánh giá bản thân một cách khách quan, chúng ta sẽ có khả năng đưa ra những quyết định sáng suốt và phù hợp hơn. Chúng ta không còn bị chi phối bởi những cảm xúc nhất thời hay những niềm tin cố hữu, mà có thể nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau và lựa chọn giải pháp tốt nhất cho bản thân và những người xung quanh.
Giờ hãy cùng Mai xem xét hai ví dụ dưới đây để hình dung rõ về quá trình chuyển đổi từ chủ thể thành đối tượng nhé:
Đầu tiên đó là chuyện làm mẹ:
"Chủ thể": Khi tiếng khóc chào đời đầu tiên vang lên, bạn chính thức bước vào vai trò "Mẹ". Đó là một bản năng tự nhiên, một sự tiếp nối thiêng liêng của dòng tộc. Bạn có thể cảm thấy việc làm mẹ là điều hiển nhiên, là một phần không thể thiếu trong cuộc đời của một người phụ nữ. Bạn chưa thực sự suy nghĩ sâu sắc về những trách nhiệm và thách thức đi kèm, chỉ biết rằng bạn "phải" làm một người mẹ tốt. Áp lực, lo lắng, thậm chí là bối rối trước những thử thách của việc nuôi dạy con cái là những cảm xúc thường trực.
"Đối tượng": Nhưng rồi, giữa những đêm thức trắng cho con bú, những lần dỗ dành con nín khóc, bạn bắt đầu suy ngẫm và nhận thức rõ hơn về vai trò này. Bạn nhận ra rằng làm mẹ không chỉ là một bản năng, mà còn là một sự lựa chọn. Bạn bắt đầu đặt câu hỏi: "Mình muốn trở thành người mẹ như thế nào?", "Mình muốn truyền đạt những giá trị gì cho con?", "Mình cần thay đổi những gì ở bản thân để đồng hành cùng con trên hành trình trưởng thành?". Lúc này, bạn không còn hành động theo bản năng, mà chủ động quan sát, phân tích và đưa ra những quyết định có ý thức.
Sự tác động của việc chuyển đổi:
Khi bạn chuyển đổi từ việc xem vai trò người mẹ là một "chủ thể" sang một "đối tượng", bạn sẽ trải qua một sự chuyển hóa kỳ diệu: