Đừng để "cảm hứng" trở thành cái cớ: Bí quyết biến trì hoãn thành hành động
Bạn có biết rằng chờ đợi "cảm hứng" chỉ là một cái cớ để trì hoãn?
"Tôi chưa có hứng làm", "Để mai tính", "Chờ khi nào có cảm hứng rồi làm"... Những câu nói quen thuộc này có phải là "bài ca muôn thuở" của bạn mỗi khi đối mặt với những nhiệm vụ khó nhằn, nhàm chán hay vượt quá khả năng của mình?
Nếu câu trả lời là có, thì xin chúc mừng, bạn đã rơi vào "cái bẫy có hứng mới làm" - một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra trì hoãn. Cái bẫy này nghe có vẻ vô hại, nhưng thực chất lại là một kẻ thù thầm lặng, ngăn cản bạn đạt được những mục tiêu và ước mơ của mình. Nó khiến bạn chần chừ, do dự và bỏ lỡ những cơ hội quý giá.
Trong bản tin này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá "cái bẫy có hứng mới làm", tìm hiểu tại sao nó lại có sức mạnh ghê gớm đến vậy và quan trọng hơn, học cách để thoát khỏi nó.
Đừng để "cảm hứng" trở thành cái cớ để trì hoãn. Hãy cùng Mai bắt đầu hành trình chinh phục sự trì hoãn và xây dựng một cuộc sống hiệu quả, năng suất và thành công hơn dưới đây nhé!
Bẫy cảm hứng: Khi sự trì hoãn "ngụy trang" dưới lớp vỏ "chờ đợi hoàn hảo"
Khi đối mặt với những nhiệm vụ khó nhằn, nhàm chán, hoặc khiến bạn nghi ngờ khả năng của mình, bạn muốn trì hoãn. Bạn thấy mình đang tự nhủ những điều như thế này:
Mình sẽ cảm thấy thích làm việc này hơn vào ngày mai.
Mình sẽ làm khi không mệt mỏi, khi hứng khởi, khi mình háo hức, tràn đầy năng lượng.
Mình sẽ làm khi mình không bị hấp dẫn bởi một điều gì khác như xem tiết mục “Trống Cơm” trong “Anh trai vượt ngàn chông gai”, hay lướt Tóp Tóp để xem có gì hay ho không.
Nhưng sự thật phũ phàng là, thời điểm hoàn hảo đó hiếm khi xuất hiện.
Chẳng hạn, bạn không thích việc dọn dẹp, nhưng mục tiêu của bạn là cọ rửa toilet, bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được thời điểm hoàn hảo - thời điểm mà bạn muốn cọ toilet đâu! Tỷ lệ bạn tìm thấy khoảng thời gian hoàn hảo, khi mà bạn không quá mệt mỏi sau một ngày dài làm việc, khoảng thời gian mà bạn chẳng có gì hay ho hơn để làm và thực sự cảm thấy muốn cọ toilet sẽ là con số 0.
Một trong những sai lầm khiến bạn chờ đợi thời điểm có hứng để làm là bạn tin rằng, tâm trạng của mình sẽ thay đổi trong tương lai gần. Chúng ta tưởng tượng rằng sẽ có một cảm giác ập đến khiến ta bật dậy khỏi giường, tắt điện thoại và loại bỏ sự trì hoãn của mình. Cảm giác mà chúng ta thường nghĩ đến đó là động lực.
Nhưng cuộc sống luôn có những điều bất ngờ, với vô vàn cám dỗ hấp dẫn hơn (như lướt TikTok hay xem show giải trí chẳng hạn 😉. Để rồi, khi cứ mãi chờ đợi, cuối cùng bạn chẳng làm được gì cả.
Niềm tin sai lầm chờ thời điểm “có hứng mới làm” xảy ra là có lý do. Nhưng trước khi tìm hiểu lý do, bạn thử trả lời giúp mình câu hỏi này nhé:
Theo bạn, điều nào sẽ đến trước: động lực hay hành động hiệu quả?
Nếu câu trả lời của bạn là động lực? Xin chúc mừng! Bạn đã đoán đúng. Đó là cách mà mọi người thường nghĩ khi trì hoãn :D
Cảm hứng => Động lực => Hành động
Nhưng rất tiếc, đó lại không phải là câu trả lời đúng.
Vấn đề với quy trình này là những cảm xúc khó chịu, tâm trạng không tốt thường là những thứ trở ngại. Mặc dù những thay đổi lớn trong cuộc sống thường sẽ được thúc đẩy bởi những cảm xúc tiêu cực chứ không phải là những khi chúng ta cảm thấy dễ chịu, thoải mái.
Và tất nhiên, đồng thời, chúng cũng là thứ sẽ cản trở chúng ta hành động.
Những nỗi đau trong quá khứ, kỳ vọng tiêu cực, cảm giác tội lỗi, xấu hổ và sợ hãi thường khiến chúng ta tránh xa những hành động cần thiết để vượt qua những chấn thương, kỳ vọng tiêu cực và cảm xúc khó chịu đó. Chờ đợi có một tâm trạng tốt và có cảm hứng để làm là chúng ta tự tạo ra những trở ngại cho chính bản thân mình để không hành động mà không cần bất kì tác động thực sự nào từ bên ngoài.
Nếu bạn đợi cho đến khi bạn "có hứng thú", bạn có thể sẽ phải đợi mãi mãi.
Bạn có thực sự nghĩ rằng mình sẽ muốn cọ toilet không? Bạn sẽ không bao giờ “có hứng thú”! Đây là những nhiệm vụ nhàm chán, khó chịu!
Nếu bạn đợi cho đến khi bạn “cảm thấy sẵn sàng” để thực hiện bất kì hành động nào, bạn đang tự đặt mình vào một vòng lặp không bao giờ kết thúc của sự trì hoãn.
Vậy đâu mới là tư duy đúng cần có?
Cuộc sống không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ cho những điều thú vị. Có những nhiệm vụ nhàm chán, những công việc đầy thử thách mà ta chẳng hề muốn động đến. Nhưng nếu cứ mãi chờ đợi "cảm hứng" hay "động lực", ta sẽ bỏ lỡ vô vàn cơ hội phát triển.
Ảo tưởng về "động lực thần kỳ"
Chúng ta thường mắc kẹt trong suy nghĩ sai lầm rằng động lực là điều kiện tiên quyết để hành động. Ta mải miết tìm kiếm nguồn cảm hứng từ bên ngoài, từ những câu chuyện thành công, những lời động viên, hay thậm chí là những khoảnh khắc "bừng tỉnh". Nhưng sự thật là, động lực không phải là một "vị khách" tự nhiên xuất hiện, mà là phần thưởng bạn nhận được sau khi đã dấn thân vào hành động.
Hành động - "Phép màu" đánh thức động lực
Hãy tưởng tượng động lực như một ngọn lửa âm ỉ. Để thổi bùng ngọn lửa ấy, bạn cần một "tia lửa" - đó chính là hành động.
Những người cực kỳ thành công biết rằng động lực không đến trước - hành động hiệu quả mới là điều quan trọng. Bạn phải kích hoạt động cơ bằng cách bắt đầu bất kể bạn có muốn hay không.
Sự thật là: Hành động không chỉ là kết quả của động lực mà còn là nguyên nhân của động lực.
Khi bạn bắt đầu làm một việc gì đó, dù nhỏ bé đến đâu, bạn đã tạo ra một "phản ứng dây chuyền" trong tâm trí:
Hành động tạo ra năng lượng: Khi bạn vượt qua sự trì trệ và bắt đầu làm việc, bạn sẽ cảm thấy mình có thêm năng lượng và sự tập trung.
Năng lượng khơi dậy cảm hứng: Khi bạn tập trung vào công việc, bạn sẽ dần khám phá ra những khía cạnh thú vị và ý nghĩa của nó, từ đó tạo ra cảm hứng.
Cảm hứng thúc đẩy động lực: Cảm hứng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho bạn, khiến bạn muốn làm việc nhiều hơn, hiệu quả hơn.
Vòng quay kỳ diệu của hành động - cảm hứng - động lực
Hành động của bạn, bất kể chúng nhỏ bé và tầm thường như thế nào - đều tạo ra những phản ứng cảm xúc và cảm hứng, sau đó thúc đẩy bạn thực hiện hành động tiếp theo.
Và đây mới là cách động lực thực sự hoạt động:
Hành động => Cảm hứng => Động lực => Hành động nhiều hơn => Cảm hứng nhiều hơn => Động lực nhiều hơn…
Để hình dung rõ hơn về điều này, bạn có thể nghĩ đến hình ảnh một chiếc xe đạp đang đứng yên. Ban đầu rất khó để làm cho nó chuyển động. Nhưng một khi bạn bắt đầu đạp, thậm chí chậm, bạn thấy dễ dàng hơn để tiếp tục và thậm chí tăng tốc. Đó là sức mạnh của động lực, và nó bắt nguồn từ việc thực hiện bước đầu tiên, dù nhỏ đến đâu.
Chìa khóa của thành công không nằm ở việc mòn mỏi chờ đợi ngọn lửa động lực bùng cháy, mà nằm ở chính những bước chân đầu tiên. Bởi lẽ, hành động không chỉ là kết quả của động lực, mà còn là ngọn đuốc thắp lên ngọn lửa ấy. Mỗi bước đi, dù là nhỏ nhất, đều gieo mầm cho sự thay đổi, và từ đó, động lực sẽ tự nhiên nảy sinh và dẫn lối bạn trên hành trình chinh phục mục tiêu.
Nghiên cứu của Ken Sheldon (Đại học Missouri, Columbia) cũng đã chỉ ra rằng, tiến bộ trong việc đạt được mục tiêu không chỉ mang lại niềm vui và sự hài lòng, mà còn tạo ra một vòng xoáy tích cực, thúc đẩy ta hành động và phát triển không ngừng.
Hành động không chỉ thay đổi cách ta nhìn nhận nhiệm vụ, mà còn thay đổi cách ta nhìn nhận bản thân. Mỗi bước tiến, dù nhỏ bé, đều là một minh chứng cho năng lực và sự kiên trì của ta. Ta cảm thấy mình có quyền kiểm soát, tự tin hơn và tràn đầy động lực để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới.
Đó là lý do trong Khóa 30 ngày vượt qua trì hoãn K1, mình không bắt đầu bằng cho các bạn tưởng tượng ra một viễn cảnh tươi đẹp sau 30 ngày để lấy động lực, không đưa những câu nói truyền cảm hứng mỗi sáng. Mà mình sẽ bắt đầu bằng việc hướng dẫn các bạn nhìn sâu vào những rào cản tâm lý đang kìm hãm bạn, bóc tách từng lớp suy nghĩ và niềm tin tiêu cực để tìm ra gốc rễ của vấn đề. Từ đó, mới xây dựng cách giải quyết.
Đây không phải là một khóa học giúp bạn trở bạn thành một người hoàn toàn khác trong thời gian ngắn, mà là một hành trình khám phá và thay đổi bản thân, một quá trình tôi luyện ý chí và rèn giũa những thói quen tốt.
(9/9 tới, mình sẽ tổ chức khóa K2 do một số bạn đang chờ lớp mới. Vậy nên, nếu bạn đang trăn trở về chuyện này và muốn giải quyết ngay để nó không cản trở cơ hội và sự phát triển của mình thì hãy tham gia nhé. K2 đang có mức ưu đãi rất tốt cho mọi người so với giá trị thực tế đó).
Đừng để cảm xúc điều khiển bạn, hãy bắt đầu bằng hành động
Hãy NGỪNG nói rằng: “Tôi cần có động lực để hành động”
mà BẮT ĐẦU nói rằng: “Tôi cần phải hành động để có động lực”
Vì thế, mình có một lời mời gửi tới bạn lúc này khi bạn đã đọc đến đây:
Dành một phút để nghĩ về điều gì đó bạn muốn làm nếu bạn có đủ động lực để thực hiện. Viết nó ra.
Tiếp theo, hãy tạo một hành động. Hãy nghĩ về một hành động đơn giản, duy nhất mà bạn có thể thực hiện ngay hôm nay để tiến triển theo hướng đó. Viết nó ra.
Hãy cam kết với bản thân rằng dù có chuyện gì xảy ra, bạn cũng sẽ hành động. Dù bạn có mệt mỏi đến đâu, hay cảm thấy chán nản đến đâu, hãy tự hứa với bản thân rằng bạn sẽ làm điều gì đó - ngay cả khi đó là điều nhỏ nhặt nhất - để đưa bạn tiến về phía trước. Bởi vì ngay khi bạn bắt đầu hành động - ngay khi bạn bắt đầu hành động - bạn sẽ bắt đầu cảm thấy có động lực, điều này sẽ dẫn đến nhiều động lực hơn, và đến lượt nó sẽ dẫn đến nhiều hành động hơn nữa. Và chu kỳ này sẽ tiếp tục, miễn là bạn tiếp tục hành động.
Bạn có thể thành công ở một việc gì đó mà không nhất thiết bạn phải là người giỏi nhất.
Bạn có thể thành công ở một việc gì đó mà không cần có nhiều tài năng đặc biệt.
Nhưng bạn không bao giờ có thể thành công ở bất cứ việc gì nếu không hành động.
Không bao giờ.
Vì vậy, đừng để nỗi sợ hãi kìm hãm bạn. Hãy dũng cảm bước qua những rào cản tâm lý, bắt đầu hành động, dù chỉ là một bước nhỏ. Bởi lẽ, hành động chính là tia lửa thắp sáng ngọn lửa động lực, là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công.
Và như người xưa đã nói: "Khởi sự là một nửa của thành công".
Cảm ơn bạn đã chọn theo dõi bản tin Tự kỷ luật.
Bản tin được xây dựng và phát triển bởi Thanh Mai, một nhà khai vấn về thói quen và kỷ luật theo tiêu chuẩn của ICF – Liên đoàn khai vấn quốc tế. Đồng thời, mình cũng là nhà huấn luyện học hành động – Action Learning Coach của Wial.
Các chương trình và hoạt động có thể bạn quan tâm: